Thẻ tín dụng trong tiếng Anh là Credit card là một công cụ hỗ trợ người dùng dễ dàng thanh toán khi chi tiêu dù trong tài khoản không có sẵn tiền. Bên ngân hàng sẽ cấp một hạn mức tiền nhất định vào tài khoản và đến hết tháng, người dùng có nhiệm vụ hoàn lại số tiền đã chi tiêu trước đó.
Đặc điểm của thẻ tín dụng
– Chủ thẻ tín dụng được miễn lãi tối đa 45 ngày tùy ngân hàng. Tức là từ ngày mua hàng bằng thẻ tín dụng, chủ thẻ có tối đa 45 ngày không bị tính lãi suất nếu trả đủ số tiền đã dùng từ thẻ. Vượt quá 45 ngày này mà chưa thanh toán, chủ thẻ chịu lãi suất từ 25%/ năm trở lên.
– Cần có thu nhập để mở thẻ.
– Không thể chuyển khoản thẻ tín dụng (rất ít ngân hàng cho phép chuyển khoản, và chỉ chuyển khoản trong hệ thống).
– Chủ thẻ tín dụng thường xuyên được giảm giá, khuyến mãi.
– Khi toàn bộ số tiền phát sinh được hoàn trả cho ngân hàng, hạn mức tín dụng của chủ thẻ được khôi phục như ban đầu. Đây là tính chất “tuần hoàn” (Revolving) của thẻ tín dụng.
– Thẻ tín dụng thường là thẻ quốc tế với tính năng thanh toán trên phạm vi toàn cầu, chỉ có số ít ngân hàng phát hành thẻ tín dụng nội địa. Thẻ tín dụng quốc tế có thể mang thương hiệu khác nhau như Visa, MasterCard, JCB, American Express… nhưng tính năng sử dụng hoàn toàn như nhau.
Điều kiện làm thẻ tín dụng
- Khách hàng có nguồn tài chính ổn định
Thẻ tín dụng thực chất là công cụ cho vay của ngân hàng và là công cụ cho vay duy nhất được miễn lãi suất một thời gian và được ưu đãi khi mua sắm. Với bất kì hình thức cho vay nào của ngân hàng đều yêu cầu khách hàng của họ chứng minh được khả năng trả nợ. Có hai cách chứng minh khả năng tài chính: Thu nhập hoặc tài sản đảm bảo.
Làm thẻ tín dụng bằng cách chứng minh thu nhập còn được gọi là làm thẻ tín dụng tín chấp, thẻ tín dụng thế chấp là thẻ tín dụng yêu cầu chứng minh bằng tài sản đảm bảo (có thể là sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá khác được ngân hàng chấp thuận). Đa phần khách hàng làm thẻ tín dụng theo hình thức tín chấp vì thủ tục nhanh gọn hơn.
Ngân hàng sẽ yêu cầu cần có lương chuyển khoản. Lí do là căn cứ vào in sao kê, ngân hàng có thể biết khách hàng đó đã làm việc tại công ty được bao nhiêu tháng, mức lương cơ bản là bao nhiêu và tiền được rút ra để làm gì? Những yếu tố này ảnh hưởng đến khả năng và cách sử dụng tài chính của khách hàng. Các ngân hàng thực sự quan tâm đến điều này khi xét duyệt hồ sơ.
- Khách hàng phải sinh sống tại khu vực được hỗ trợ mở thẻ
Điều này để đảm bảo một phần tăng cường khả năng giám sát cá nhân cho ngân hàng khi mở thẻ tín dụng tuy nhiên lại gây cản trở cho những khách hàng có địa chỉ sống ngoại thành hoặc xa địa bàn hoạt động của ngân hàng đó.
- Uy tín tín dụng của khách hàng
Với tất cả các khách hàng đã từng sử dụng thẻ tín dụng, mua trả góp, vay tín chấp hay thế chấp từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng đều được cập nhật trên hệ thống trung tâm thông tin tín dụng (Credit Information Center – CIC). Các ngân hàng trên toàn quốc đều sử dụng hệ thống này để kiểm tra uy tín tín dụng của khách hàng. Nếu có nợ xấu (CIC từ nhóm 2 trở lên), khách hàng đó sẽ thực sự gặp khó khăn khi làm thẻ tín dụng hay giao kết bất kì khoản vay nào tại ngân hàng.
- Một số điều kiện khác
Ngoài các điều kiện trên thì cá nhân phải là người Việt Nam hoặc người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam hoặc cá nhân được các công ty hoặc tổ chức ủy quyền sử dụng thẻ,…